Việc ngậm thức ăn trong thời gian quá lâu mà không nuốt ở trẻ sẽ khiến bé dễ bị biếng ăn và có nguy cơ sâu răng.
Cún nhà tôi năm nay lên 5 tuổi. Trộm vía con khỏe mạnh, xinh xắn, ai nhìn thấy cũng khen, ấy vậy mà con lại có tật xấu ngậm cơm. Mỗi lần cho con ăn cơm, cả bố và mẹ đều phải vào cuộc, kẻ khua chiêng, người gõ trống, chỉ mong cho con nuốt ực miếng cơm mà thấy vất vả quá.
Bài viết liên quan:
Nghe mọi người nói nếu tình trạng ngậm cơm kéo dài, bé rất dễ mắc phải các bệnh răng miệng mà tiêu biểu nhất là sâu răng. Quá nản với mỗi bữa ăn của con, tôi đem chuyện kể cho một người chị họ, vốn là điều dưỡng trong bệnh viện Nhi của thành phố. Chị kể cho tôi nghe nhiều về những trường hợp bé ăn ngậm với những độ tuổi, nguyên nhân khác nhau và cách trị dứt tình trạng này.
Theo như chị ấy nói trẻ ăn ngậm do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể do thức ăn mẹ nấu không phù hợp với khẩu vị của con, cũng có thể do con bị bệnh răng miệng cấp tính như đau họng, loét miệng… hay nguy hiểm hơn, những loại dị tật bẩm sinh như hở màn hầu, lưỡi to, môi nứt,.. cũng khiến bé khó nuốt và hay ngậm cơm trong miệng.
Cách trị “bệnh” ăn ngậm cho con
Tập trung khi ăn
Rất nhiều mẹ cho con xem tivi hay nghe nhạc thiếu nhi xập xình mong con không khóc lóc và ăn được nhiều hơn. Thế nhưng đôi khi bé tập trung xem tivi, xem video mà quên việc nhai nuốt. Khi ấy, mẹ phải tắt tivi để bé chú ý vào việc ăn uống hơn.
Cũng tương tự như thế, các mẹ không nên vừa cho bé ăn vừa cho bé chơi trò chơi bởi với bé bao giờ trò chơi cũng sẽ thu hút hơn cơm cháo bày trước mắt. Thỉnh thoảng, bạn có thể cho con chơi 1 chút nhưng không nên ngày nào cũng đặt trẻ ở giữa đống đồ chơi trong lúc ăn, bé sẽ chỉ chơi mà quên ăn.
Lưu ý khi chế biến
Khi bé ăn ngậm các mẹ cũng cần xem lại xem đồ ăn đã được chế biến phù hợp với hàm răng và độ tuổi của bé hay chưa. Đôi khi, đồ ăn lỏng quá cũng khiến bé lười nhai mà cứ ngậm ung úng trong miệng, khi nào mỏi mới chịu nuốt. Do đó, mẹ cần quan tâm và tìm hiểu những món đồ ăn nào phù hợp với giai đoạn hiện tại của con để thay đổi và bổ sung kịp thời.
Khi mới bắt đầu vào tuổi ăn dặm hoặc đang trong giai mọc răng mẹ nên cho con ăn những loại thức ăn mềm, lỏng. Khi bé được 10 - 12 tháng, răng đã mọc được khoảng 2 chiếc, mẹ nên cho con ăn thức ăn sền sệt dần như cháo. Còn khi răng bé đã mọc được khoảng 4 cái, mẹ nên cho con ăn những loại thức ăn đặc hơn nhưng vẫn mềm như mì, bún, phở để bé thỏa mãn nhu cầu nhai.
Ngoài ra, để kích thích bé ăn, các mẹ cũng nên thường xuyên đổi món cho bé. Nhiều mẹ, thường chỉ tập trung bổ sung chất béo và chất đạm cho con, con ăn đi ăn lại các món đến chán ngấy nên chẳng chịu nuốt. Đổi món thường xuyên không chỉ giúp đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng mà còn giúp bé hứng thú hơn với việc ăn uống và bé cũng tích cực nuốt hơn.
Hiểu tâm lý của con
Khi bé được 2 – 2,5 tuổi, hàm răng sữa đã hoàn chỉnh, mẹ có thể cho con ăn cùng bàn với người lớn. Mẹ nên tập cho con thói quen tự xúc ăn, có thể ban đầu thức ăn sẽ vương vãi ra ngoài nhưng khi tự ăn bé sẽ có xu hướng nhai nuốt dễ dàng hơn.
Khi bé không chịu nuốt, mẹ hay có tâm lý ép hoặc quát mắng. Làm như thế bé chỉ thêm sợ hãi, khóc lóc dẫn đến bị sặc chứ chẳng giải quyết được việc gì. Tốt nhất mẹ nên kiên nhẫn để tập dần các thói quen và phản xạ mới cho con.
Trẻ nhỏ thường rất ưa nịnh. Do đó, khi bé ăn ngậm, mẹ hãy dành tặng bé những lời động viên và khuyến khích thay vì quát nạt. Những câu nói như “Cún nuốt rồi. Siêu quá!”, “Cún ăn ngoan quá, giỏi quá!” sẽ khiến con cảm thấy vui vẻ và phấn khích hơn.
Ngoài ra, khi lửng dạ, bé sẽ bắt đầu lười nhai. Do đó, mẹ nên chia bữa ăn của con thành nhiều bữa nhỏ chứ không cần cho con ăn đúng bữa như người lớn. Cách này không chỉ áp dụng được cho trẻ ăn ngậm mà còn có thể dùng để trị những trẻ biếng ăn.
Trên đây là một số mẹo nhỏ giúp trị tận gốc chứng ăn ngậm của các bé, mong là các mẹ sẽ áp dụng thành công. Chúc các bé ngon miệng!
Nguồn: Eva
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.