Viêm âm đạo gây ra những khó chịu cho người phụ nữ và làm cho đời sống tình dục trở nên không tốt đẹp. Vậy làm thế nào để chữa trị viêm âm đạo?
Viêm âm đạo là một thuật ngữ y khoa dùng để mô tả các điều kiện khác nhau gây ra nhiễm trùng hoặc viêm âm đạo. Viêm âm hộ âm đạo (VAHAD) là tình trạng viêm ở cả âm đạo và âm hộ (bộ phận sinh dục nữ phía bên ngoài). Người phụ nữ bị viêm âm đạo hoặc viêm âm hộ âm đạo trải qua cảm giác ngứa và nếu không điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Nguyên nhân của bệnh viêm âm đạo
Nguyên nhân của tình trạng viêm nhiễm này có thể là kết quả của một bệnh nhiễm trùng gây ra bởi vi khuẩn, nấm men, virus hoặc bị kích ứng từ các loại kem, thuốc xịt hoặc thậm chí là quần áo bẩn. Trong một số trường hợp, viêm âm đạo là kết quả của quan hệ tình dục không an toàn.
Ba nguyên nhân phổ biến gây viêm âm đạo gồm:
- Viêm âm đạo do vi khuẩn
- Âm đạo bị nhiễm nấm
- Bệnh trùng mảng uốn roi đuôi (Trichomoniasis)
Nhiều phụ nữ không xác định chính xác nguyên nhân nào gây ra viêm âm đạo và tự dùng thuốc mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ. Một nghiên cứu gần đây của Hiệp hội Y tế Xã hội Mỹ cho biết rằng 70% phụ nữ bị nhiễm trùng âm đạo tự điều trị bằng thuốc trước khi gặp bác sĩ.
Viêm âm đạo do vi khuẩn là nguyên nhân thường gặp nhất, chiếm 50% các trường hợp viêm âm đạo. Viêm âm đạo do vi khuẩn gây ra bởi sự thay đổi của các vi khuẩn trong âm đạo và tạo sự phát triển cho Gardnerella vaginalis.
Nguyên nhân gây ra viêm âm đạo do vi khuẩn bao gồm quá trình mang thai, sử dụng các dụng cụ tử cung (ví dụ: vòng tránh thai,...) và không vệ sinh thường xuyên. Việc quan hệ tình dục bừa bãi cũng là nguyên nhân gây ra viêm âm đạo do vi khuẩn.
Tại Hoa Kỳ, có đến 16% phụ nữ mang thai bị Viêm âm đạo do vi khuẩn. Tỷ lệ này thay đổi theo chủng tộc và dân tộc: 6% ở người châu Á, 9% ở người da trắng, 16% ở Tây Ban Nha và 23% ở người Mỹ gốc Phi.
Âm đạo bị nhiễm nấm là do một loại nấm có tên là Candida albicans. Loại nấm này còn được biết với cái tên nấm Candida, nấm Candida sinh dục hoặc nấm candida vulvovaginal. Nhiễm trùng nấm men có thể lây lan đến các bộ phận khác trên cơ thể, bao gồm da, niêm mạc, thực quản,...Nhiễm trùng này đe dọa đến tính mạng ở những người có hệ miễn dịch bị suy yếu (phụ nữ đang mang thai, những người dương tính với HIV, mắc bệnh tiểu đường hoặc đang dùng steroid).
Gần 75% phụ nữ trưởng thành bị nhiễm nấm sinh dục ít nhất một lần trong đời. Nhiễm nấm âm đạo không được coi là một bệnh lây truyền qua đường tình dục, thế nhưng có khoảng 12% đến 15% nam giới xuất hiện các triệu chứng ngứa là nổi mẩn dương vật sau khi quan hệ với bạn tình bị nhiễm bệnh.
Nhiễm nấm men là do sự phát triển quá mức bình thường của nấm trong âm đạo gây ra khó chịu. Men chịu sự kiểm soát của các vị khuẩn trong cơ thể. Nếu sự cân bằng tự nhiên của các vi khuẩn bị phá vỡ, nấm men sẽ phát triển ồ ạt. Những nguyên nhân gây nên sự mất căn bằng này có thể là:
- Sử dụng thuốc kháng sinh: thuốc kháng sinh diệt vi khuẩn trong âm đạo. Những vi khuẩn này ngăn chặn các sinh vật Candidal khỏi xâm lấn. Vì thế, sau khi dùng thuốc kháng sinh (trị viêm họng), có thể bạn đã bắt đầu bị nhiễm nấm âm đạo.
- Bệnh tiểu đường: Cả bệnh tiểu đường và quá trình mang thai tạo điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển. Hàm lượng glycogen trong các tế bào âm đạo bị giảm và làm tăng lượng đường (và pH) tạo nên nguy cơ nhiễm trùng nấm men rất cao.
- Uống quá nhiều rượu
- Sử dụng thuốc tránh thai
- Thay đổi nội tiết tố như rụng trứng, mang thai hoặc thời kỳ mãn kinh
- Sử dụng steroid
- Hệ thống miễn dịch yếu
- Mặc đồ lót chật không có cotton. Điều này làm tăng nhiệt độ, độ ẩm và bị kích ứng tại chỗ
- Sử dụng dụng cụ thụt rửa âm đạo, các loại dung dịch vệ sinh phụ nữ có mùi thơm.
- Có vết trầy xước trong âm đạo.
Trichomonas là một bệnh lây truyền qua đường tình dục gây ra bởi một loại ký sinh trùng tên là Trichomonas vaginalis. Trichomonas chủ yếu là nhiễm trùng đường tiết niệu và sinh dục. Đối với phụ nữ, âm đạo là nơi bị tác động phổ biến nhất của bệnh. Đối với nam giới, niệu đạo thường ảnh hưởng nhiều nhất.
Triệu chứng viêm âm đạo
- Ngứa âm hộ, có thể rát bỏng, đau rát khi giao hợp hay khi tiểu tiện
- Khí hư bột: ít dạng như vảy nhỏ, thường tăng nhiều trước khi hành kinh
- Âm hộ đỏ, phù, có khí hư bột, trắng, đau khi khám
- Âm đạo viêm đỏ, dễ chảy máu, tiết dịch âm đạo thường không màu không mùi
- Đau bụng vùng dưới
Cách điều trị viêm âm đạo
Viêm âm đạo nếu không được điều trị đúng sẽ dẫn đến những biến chứng như viêm cổ tử cung, viêm phần phụ, viêm nội mạc tử cung, Do vậy, việc đi khám để nhận được tư vấn và điều trị là cần thiết. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc.
- Phải xác định rõ mầm bệnh gây viêm thuộc loại gì để chọn thuốc điều trị thích hợp. Ví dụ viên đặt Cloroxit và Metronidazol là các loại kháng sinh chống vi khuẩn hiếu khí, kỵ khí. Metronidazol còn được dùng để diệt ký sinh trùng Trichomonas. Trường hợp của bạn phải dùng kháng sinh chống nấm.
- Người bệnh phải tăng cường giữ vệ sinh bằng việc giội rửa (để rửa đến đâu, chất bẩn trôi đi đến đấy) nhiều lần trong ngày. Cần giội rửa bằng nước sạch hoặc nước pha thuốc sát trùng theo chỉ định của bác sĩ. Quần, nhất là quần lót, phải được giặt sạch, ngâm nước sôi để diệt hết nấm bệnh.
- Cần điều trị cả cho chồng vì các nguyên nhân gây viêm âm đạo có thể sinh sống tại đường sinh dục của người chồng và sẽ gây tái nhiễm cho người vợ khi đã được điều trị khỏi.
- Trong thời gian đặt thuốc, không nên có quan hệ vợ chồng. Nếu không giữ được thì nên sử dụng bao cao su.
Cách phòng ngừa viêm âm đạo
Thay đổi thói quen sinh hoạt sẽ giúp bạn phòng ngừa viêm âm đạo hiệu quả
- Thay đổi chế độ ăn và bổ sung thêm chất dinh dưỡng cũng có thể giúp ích cho việc điều trị viêm âm đạo. Các vitamin chống ôxy hóa, bao gồm A, C, E, và các vitamin nhóm B, vitamin D, được khuyên dùng.
- Tránh dùng các chất kích thích hoặc các thực phẩm có chứa nhiều chất béo bao gồm phô mai, rượu, bia, cafein, chocolate, nước tương, đường, dấm, thực phẩm lên men.
- Nên mặc quần lót rộng rãi, bằng vải coton để âm hộ - âm đạo được khô ráo mát mẻ, giúp phòng tránh một số thể viêm âm đạo.
- Thực hiện tình dục an toàn để tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Khám phụ khoa định kỳ. Khi đã mắc bệnh phải đi khám phụ khoa ngay để xác định nguyên nhân gây bệnh và có biện pháp điều trị kịp thời.
Trên đây là những thông tin cần thiết giúp phụ nữ biết rõ hơn về biểu hiện, triệu chứng các cách đề phòng viêm âm đạo. Hy vọng các bạn luôn khỏe mạnh và có một đời sống tình dục an toàn và lành mạnh.
Nguồn: Điều trị viêm âm đạo - Hạnh Phúc Của Mẹ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.