Xem thêm các bài viết về mẹ và bé
Thông tin về thực đơn dinh dưỡng cho bé từ Dumex Việt Nam
Mối dây liên kết mẫu tử tuyệt vời khi mẹ cho con bú là điều không ai có thể chối từ. Các chuyên gia luôn khuyên chị em hãy cố gắng cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu và nếu có thể, hãy duy trì sữa mẹ đến 1-2 tuổi. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ và hầu như bà mẹ nào có sữa cũng luôn muốn duy trì cho con bú càng lâu càng tốt. Đương nhiên, cũng có nhiều lời rỉ tai cho rằng việc cho con bú sẽ khiến mẹ bị hỏng ngực, ngực bị mất dáng, bé đi và bị “mướp” sau khi cai sữa. Những lời đồn đại này tuy không hoàn toàn đúng sự thật nhưng cũng khiến nhiều chị em lo lắng.
Một số chị em đã quyết định sẽ nhờ đến phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) sau khi cai sữa để lấy lại được dáng ngực như xưa. Tuy nhiên, việc PTTM ngày nay đang trở nên lan tràn và khó kiểm soát về mức độ an toàn. Thay vì chọn lựa nguy hiểm tiềm ẩn khi PTTM, mẹ cho con bú nên biết cách tự chăm sóc và duy trì dáng ngực ngay khi cho con bú.
Có một thực tế mẹ nên biết: Việc ngực xấu hay không, không phải do bé bú mà là do trong quá trình mang thai kích thước vú đã có sự thay đổi. Ngực không bao gồm các cơ bắp và dây chằng. Thay vào đó, ngực chỉ có các mô mỡ và đó là lý do khiến ngực dễ bị chảy xệ. Trong thời gian mang thai, nội tiết tố thay đổi ảnh hưởng đến vòng 1 để chuẩn bị cho quá trình chúng ta cho con bú. Số lượng các ống dẫn sữa phát triển khiến ngực trở nên lớn hơn làm ngực giãn nở, thậm chí rạn da. Vú bị căng sữa liên tục có thể làm ngực biến dạng sau khi cai sữa. Mặt khác, cũng tùy theo cơ địa của từng người, vú sẽ có hình dạng khác nhau sau sinh. Tuy nhiên, ta cũng có nhiều cách để “giảm thiểu thiệt hại” của việc hỏng dáng ngực sau khi cai sữa.
Phải tăng cân và ăn thật nhiều chất béo
Muốn ngực đẹp, mẹ cho con bú đừng cố kiêng khem. Ngực được tạo thành bới các mô mỡ, do đó, khi mẹ tăng cân, số mỡ này sẽ tập trung vào ngực khiến ngực đầy đặn và đẹp hơn rất nhiều.
Thêm vào đó, mẹ cũng nên biết rằng ngực không hề có cơ. Nó chỉ có các dây chằng làm nhiệm vụ giữ ngực. Khi mẹ cho con bú, các dây chằng này sẽ bị dãn ra và lúc cai sữa, nếu không đàn hồi tốt, nó sẽ khiến ngực bị chảy xệ. Vậy làm thế nào để giữ được độ đàn hồi cho dây chẳng?
Mẹ cần có một chế độ ăn uống hợp lý, đặc biệt chú ý ăn nhiều chất béo. Chất béo, ngay cả cholesterol, vẫn có vai trò quan trọng trong việc tạo nên cấu trúc trong cơ thể như các nội tiết tố, vitamin D và đặc biệt là làn da. Thiếu cholesterol sẽ khiến da nói chung và da ngực nói riêng kém đàn hồi và dễ nhăn nheo.
Một trong những axit béo cần nhất lúc này là arachidonic – một loại axit béo có nhiều trong trứng gà và bơ, hai loại thực phẩm lại có rất nhiều mẹ cho con bú kiêng ăn vì sợ béo. Rất nhiều phụ nữ ở tỉnh Trùng Khánh của Trung Quốc luôn được khuyên phải ăn nhiều trứng gà. Họ thậm chí còn ăn đến 10 quả trứng mỗi ngày cùng với rất nhiều thịt gà và thịt lợn. Có lẽ, đó cũng là lý do mà ta hiếm khi thấy một bà mẹ Trùng Khánh có ngực “chảy xuống tận rốn”.
Cho con bú cần đúng tư thế
Việc cho con bú đúng tư thế không chỉ giúp mẹ giữ được dáng ngực mà còn hạn chế những rắc rối như bị nứt đầu ti hay chảy máu đâu ti. Tư thế cho bé bú tốt nhất là người mẹ ngồi thoải mái trên ghế, nếu sức khỏe mẹ yếu thì mẹ có thể nằm trên giường và bé nằm nghiêng bên cạnh để bú. Khi cho bé bú, hướng mặt bé về phía bầu vú, đầu và chân bé phải thẳng hàng, bụng bé áp sát vào người mẹ, mẹ dùng tay nâng cả bầu vú về phía miệng bé.
Đối với mẹ hút sữa bằng máy cho con ti bình, khi hút sữa cũng chú ý giữ bình hút và phễu hút đừng thẳng, cố gắng nâng phễu hút ngang với bầu ngực. Tránh để phễu hút giật bầu ngực xuống dưới, lâu dần sẽ bị xệ ngực
Cho con bú đều hai bên ngực
Mẹ cho con bú nên nhớ, mỗi bầu ngực là một cá thể riêng biệt và hoàn toàn không liên quan đến nhau. Nếu mẹ chỉ cho con bú đúng bên thuận của bé hoặc đúng bên mẹ có nhiều sữa, lâu dần sẽ khiến ngực bên to bên nhỏ rất mất cân đối. Hãy chú ý cho bé bú đều hai bên bầu ngực và bú cạn rồi mới chuyển bên. Tốt nhất là mẹ nên ưu tiên cho con bú bên ngực nhỏ và ít sữa trước. Càng bú nhiều, sữa càng về và ngực sẽ càng to ra.
Mặc áo lót cho con bú đúng kích cỡ
Nhiều chị em khi có con bú thường thích “thả rông” vì cảm thấy áo lót rất vướng víu và lại thường xuyên phải cởi ra khi cho con bú. Tuy nhiên, khi ngực tăng kích thước và các dây chẳng trở nên quá tải thì áo ngực sẽ là trợ thủ đắc lực giúp ngực của mẹ cho con bú không bị mất dáng. Mẹ hãy lựa chọn cho mình một chiếc áo lót chuyên dụng dành cho cho bú và có kích cỡ phù hợp.
Massage ngực thường xuyên
Việc massage ngực khi cho con bú là vô cùng cần thiết . Nó không những giúp mẹ giữ được dáng ngực mà còn giúp sữa nhanh về. Trước khi cho con bú, mẹ nên dùng một chiếc khăn nóng chườm bầu ngực để giãn tia sữa và các lỗ chân lông. Nhẹ nhàng dùng hai tay xoay tròn lấy bầu ngực từ 2-5 phút. Khi đợi sữa về rồi mới bắt đầu cho con bú. Sau khi bú xong, mẹ lại lấy khăn ướt lạnh chườm để co tia sữa lại.
Cai sữa cũng cần chiến thuật
Ngoài việc giữ ngực trong khi cho con bú, cai sữa đúng cách cũng góp phần rất lớn để “bảo toàn” dáng ngực cho mẹ. Những bà mẹ cai sữa vào giai đoạn 4-6 tháng là những bà mẹ thường bị chảy xệ ngực nhất do đây là thời điểm nhu cầu cho em bé bú đạt cao nhất. Cai sữa vào thời điểm này là không khôn ngoan một tí nào. Da của mẹ cho con bú sẽ bị chùng xuống, chảy nhão y như một người béo phì mới trải qua phẫu thuật cắt dạ dày.
Thời điểm cai sữa hợp lý nhất là từ khoảng 1 năm rưỡi đến hơn 2 năm. Thời gian này, nhu cầu sữa của trẻ đã ít đi và ngực của mẹ không phải bị “sốc” khi sữa đột ngột hết hẳn. Các dây chẳng có thời gian để đàn hồi và các mô bắt đầu co lại từ từ.
Biết cách cho con bú và cai sữa úng chuẩn sẽ khiến mẹ vừa cung cấp được cho con nhiều dinh dưỡng tuyệt vời từ sữa mẹ, vừa giữ được cho mình dáng ngực đầy đặn như thời con gái.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.