Thứ Tư, 2 tháng 10, 2013

Vấn đề trẻ bị trầm tính và nỗi băn khoăn của mẹ

“Bé nhà tôi rất trầm tính, khi đến lớp bé ít khi nói chuyện và chơi chung với bạn bè xung quanh. Giờ ra chơi bé chỉ ngồi 1 mình. Ở nhà bé cũng tỏ ra trầm tính và ít nói chuyện với ba mẹ, ngay cả khi cả gia đình đi chơi bé cũng tỏ ra không vui vẻ gì mấy” – Chị Lan (quận Bình Thạnh, TP HCM) kể.

Mặc dù vợ chồng chị đã cố gắng tạo mọi điều kiện tốt nhất để con cảm thấy vui vẻ, thoải mái nhưng bé Loan vẫn không hứng thú gì với cuộc sống xung quanh. Người mẹ trẻ trầm tư bộc bạch: “Tôi thực sự hoang mang và lo lắng quá, không biết làm sao để con vui vẻ trở lại”.

Cũng khổ sở vì đứa con gái đầu lòng bỗng nhiên trầm cảm, ít nói, chị Huyền đã nhờ các thầy cô trong trường quan tâm chăm sóc cho bé nhiều hơn. Thế nhưng suốt hơn một năm qua, tình hình vẫn không được cải thiện.


Người mẹ cho biết, năm ngoái chồng chị bị tai nạn giao thông qua đời. Từ trước đến giờ người cha luôn quan tâm chiều chuộng con gái nhất nên khi anh mất, bé Bích trở nên buồn bã, ít nói, suốt ngày mở miệng gọi ba rồi khóc. “Thỉnh thoảng con bé lại ôm di ảnh của ba nói chuyện rồi ứa nước mắt. Tôi cũng chỉ biết an ủi con rồi nhờ thầy cô trong trường quan tâm đến cháu hơn. Nhưng cho đến giờ con bé vẫn lủi thủi một mình, chẳng thiết tha nói chuyện”, chị Huyền thở dài.

Theo chuyên viên tham vấn tâm lý Vũ Cẩm Vân, hiện tượng trẻ “tự dưng buồn” có thể là biểu hiện của chứng trầm cảm. Có rất nhiều nguyên nhân gây nên trầm cảm ở trẻ em: do di truyền, sự mất mát, chia ly, căng thẳng từ mối quan hệ trong gia đình, nhà trường hoặc ngoài xã hội… Hiện nay có nhiều trẻ em rơi vào trầm cảm do một số nguyên nhân thường gặp như:

- Từ phía gia đình (mất người thân, cha mẹ gây gổ, ly dị hoặc la mắng, xúc phạm, cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng vào các em tạo nên áp lực trong việc học hành).

- Căng thẳng từ trường học (thầy cô trách phạt, bạn bè chê bai, nói xấu, ức hiếp hoặc tẩy chay).

- Mối đe dọa bên ngoài xã hội (bị trấn lột, bạo hành, bị lạm dụng thể xác, tinh thần).

- Từ bản thân các em (sự tự ti, mặc cảm về ngoại hình, thiếu khả năng học tập, giao tiếp).

- Ngoài ra, sự bao bọc, nuông chiều, mọi việc thuận lợi, dễ dàng trong cuộc sống cũng khiến các em cảm thấy buồn chán, vô vị và mất hứng thú với cuộc sống.

Bệnh trầm cảm của trẻ còn biểu hiện ở tình trạng khó tập trung suy nghĩ, thiếu tự tin, tự đánh giá thấp bản thân, mang mặc cảm tội lỗi, sống thu mình và cảm thấy lạc lõng, cô đơn. Nếu không được kịp thời chẩn đoán và chữa trị, các em sẽ có hành vi gây nguy hiểm cho mình.

Theo chuyên viên tâm lý Cẩm Vân, để chẩn đoán chính xác, cần có sự tìm hiểu toàn diện về quá trình lớn lên của trẻ, như thế mới có thể tìm hiểu rõ được nguyên nhân. Vì vậy, cha mẹ nên sớm đưa bé đến gặp chuyên gia tâm lý để trò chuyện và có kế hoạch điều trị cho các cháu.

Bên cạnh đó, khi con bị trầm cảm, việc cha mẹ cần làm ngay là động viên trẻ cùng tham gia một số hoạt động xã hội, sinh hoạt cộng đồng, khích lệ bé chơi một môn thể thao ưa thích nào đó. “Có thể ban đầu các em sẽ không thích nhưng cha mẹ hãy kiên nhẫn và khéo léo thuyết phục. Với sự kiên trì và tấm lòng yêu trẻ, phụ huynh sẽ cùng chuyên gia tâm lý sớm giúp trẻ tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống”, chuyên viên tâm lý Cẩm Vân cho biết.

Xem các bài viết liên quan đến mẹ và bé

Chia sẻ kiến thức dinh dưỡng cho trẻ nhỏ từ Dumex Việt Nam

Theo meyeucon.org

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.