Bệnh phong cùi là gì?
Bệnh phong (cùi, hủi) là một căn bệnh nhiểm khuẩn bởi một loại trực khuẩn phong Hansen gây ra. Bệnh phong phát triển rất chậm, không dễ lây truyền từ người nọ sang người kia nhưng lại kéo dài rất nhiều năm, và thường lây truyền qua đường da hoặc hô hấp, vì thế rất khó xác định bệnh nhân bị nhiễm bệnh ở đâu và khi nào. Trẻ em thường dễ nhiễm bệnh hơn người lớn.
Triệu chứng của bệnh phong
Tùy vào sức đề kháng của bệnh nhân mà các triệu chứng của bệnh phong phát triển nặng hay nhẹ:
- Dấu hiệu thường gặp là mất cảm giác, trước tiên ở tay và chân. Người bị bệnh hủi có khi bị bỏng mà không biết.
- Trên da xuất hiện những nốt nhỏ nhạt màu hoặc những nốt to hình tròn, ở giữa mất cảm giác; dây thần kinh to lên tạo thành các sợi to hoặc thành cục ở dưới da, có nơi bị loét kinh niên nhưng lại không đau và không ngứa.
- Da mặt dày cộm, nổi cục hoặc dái tai dày, ngắn và vuông. Lông mày rụng, lúc đầu là phía ngoài, sau rụng toàn bộ.
- Trường hợp bệnh đang tiến triển, tay chân có thể bị liệt, trông giống như các vuốt. Ngón chân, ngón tay hoặc toàn bộ tay, chân có thể dần dần bị cụt, trở thành những mỏm cụt.
- Thần kinh ngoại vi tổn thương khiến bàn tay bàn chân không cử động, cứng lại, co quắp. Họ đi lại khó khăn và không cầm đồ vật được.
- Bàn chân thủng loét và nhiễm độc.
- Giác mạc tổn thương, mờ đục, áp nhãn tăng cao, mắt khô, không chớp mắt và có thể đưa tới khiếm thị, mù lòa
- Bộ phận sinh dục của nam giới kém phát triển, dần dần thành vô sinh.
Điều trị bệnh phong hủi
Tuy hiện nay vẫn chưa có vắc xin đặc hiệu để phòng ngừa sự nhiễm bệnh nhưng bệnh đã có phương pháp điều trị rất hiệu quả. Bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn trong 6 đến 12 tháng tùy theo mức độ bệnh và điều trị bệnh phong là hoàn toàn miễn phí. Các loại thuốc được dùng để điều trị bệnh phong như: Dapsone, Rifampin, Clofazimine, Ethionamide, Aspirin, prednisone, hoặc thalidomide dùng để kiểm soát tình trạng viêm
Phòng bệnh:
Hiện nay, bệnh chỉ xảy ra rất ít tại một số quốc gia chứ không là dịch như cúm. Bệnh lại rất khó lây lan, cho nên giới chức y tế khuyến cáo mọi người:
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, miệng của bệnh nhân.
- Rửa tay sạch sẽ sau khi chăm sóc, tiếp xúc với bệnh nhân.
- Hiểu biết rõ ràng về nguyên nhân, diễn tiến của bệnh và phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh phong để có phương thuốc điều trị kịp thời.
Người bệnh phong vật lộn với cuộc sống ra sao?
Ðây là những con người bất hạnh với những khuyết tật về thể xác và đau đớn tinh thần mà không phải ai cũng hiểu được.
Một số đông người đã bị khuyết tật nặng, chân tay đã bị tàn phế, mất hết cảm giác và không còn khả năng để tự chăm sóc và mưu kế sinh nhai. Họ không ngừng vật lộn với những khó khăn thường ngày và những mặc cảm do xã hội gây ra.
Nỗi khổ đau của họ không phải chỉ là sự tàn khuyết của cơ thể nhưng là sự ruồng bỏ của xã hội và thiếu vắng tình nhân loại. Họ tìm vào trong những thâm sơn cùng cốc để an phận, quằn quại đớn đau dưới sự tàn khốc của chứng bệnh và sự lạnh cảm của xã hội.
Trong thời đại ngành y học phát triển như hiện nay, bệnh phong (cùi, hủi) không còn nguy hiểm đến tính mạng người bệnh như trước nữa. Tuy nhiên, bệnh phong vẫn để lại nỗi đau khó chữa cho người bệnh mặc dù sau khi được điều trị xong, vì thế người mắc bệnh phong cần được đối xử bình đẳng và quan tâm, chăm sóc như bao người bình thường khác.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.